Xem thêm
Cách di chuyển
Nằm dọc quốc lộ 1A hướng từ TPHCM ra, khoảng 20km trước khi đến thành phố Nha Trang, địa danh Suối Dầu được gọi cho một vùng khá rộng thuộc địa phận xã Suối Cát (trước thuộc huyện Diên Khánh, nay là huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa). Ngoài Viện Pasteur và Bảo tàng Yersin tại Nha Trang, đây là nơi thứ hai còn lưu giữ một số di tích của bác sĩ Alexandre Yersin, một danh nhân thế giới đã gắn bó cuộc đời và sự nghiệp ở Việt Nam.
Theo quốc lộ 1 từ Nha Trang xuôi về hướng nam khoảng 20km bạn sẽ nhìn thấy một tấm biển chỉ dẫn đường vào ngôi mộ. Ngôi mộ hiện nằm tại xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa.
Câu chuyện về bác sĩ Alexandre Yersin
Ông là bác sĩ Alexandre Yersin, người Thụy Sĩ gốc Pháp. Ông sinh năm 1863 tại Thụy Sĩ và mất năm 1943 tại Nha Trang. Hưởng thọ đúng 80 tuổi, ông để lại tờ di chúc đã làm những ai đã biết về ông vô cùng cảm kích.
Yersin từ trần tại nhà riêng ở xóm Cồn, Nha Trang. Trong di chúc để lại, ông đã viết: "Tôi muốn được chôn ở Suối Dầu. Hãy chôn tôi nằm úp xuống. Yêu cầu ông Bùi Quang Phương (cộng sự lâu năm) giữ tôi lại tại Nha Trang, đừng cho ai đem tôi đi nơi khác. Mọi tài sản còn lại xin tặng hết cho Viện Pasteur Nha Trang và những người cộng sự lâu năm".
Không kèn trống, không điếu văn, đám tang của ông diễn ra lặng lẽ, giản dị. Vậy mà rất đông người tìm đến đưa tiễn ông về nơi an nghỉ cuối cùng. Đoàn người đưa tang dài đến hơn ba cây số.
Ông được chôn theo đúng ý nguyện. Thi hài ông nằm sấp, đầu quay về biển như muốn ôm trọn mảnh đất Khánh Hòa vào lòng mình. Ông thương Việt Nam, yêu Nha Trang và đã có những công trình, sự nghiệp to lớn nhằm giúp Việt Nam phát triển hơn.
Để vào được đến ngôi mộ phải đi trên con đường mòn đất đỏ, bên trái là cánh rừng hoang sơ với nhiều chòm hoa ngũ sắc, bên phải là cánh đồng mía của nông dân. Mộ nằm trên ngọn đồi thoai thoải có tên là đồi Núi Một.
Phía trước cổng vào là ngôi nhà khách rộng rãi lợp ngói đã có dấu hiệu xuống cấp. Nhiều miếng ngói bị vỡ và xuyên qua đó, rui, mè cột kèo bị ảnh hưởng. Cách đó không xa, trong lùm cây rậm rạp 2 phòng vệ sinh mới được xây dựng đã bị đổ nát không còn sử dụng được.
Qua cánh cổng rộng lớn, chúng ta phải lên dốc. Dốc được lót đá chẻ kè xi măng chạy dài đến tận mộ ông. Mộ ông hình chữ nhật, đơn giản như bao ngôi mộ bình thường. Không bia, tên ông được ghi ngay trên mộ: Alexandre Yersin (1863 - 1943). Tại đây còn có một bia đá ghi nhớ công lao đối với nhân loại của nhà bác học này. Trên tấm bia khắc tiếng Việt và tiếng Pháp, tóm tắt tiểu sử và những đóng góp lớn lao cho khoa học của Alexandre Yersin. Cuối bia có dòng tôn vinh: “Ân nhân và nhà nhân đạo được nhân dân Việt Nam tôn kính”. Cách đó không xa về hướng tây là trang thờ có di ảnh của ông theo phong tục thờ cúng của người Việt.
Người đặt móng cho nền Tây y ở Việt Nam
Đến Nha Trang, ông dựng một ngôi nhà nhỏ làm cơ sở nghiên cứu, thí nghiệm vi trùng học đầu tiên tại Việt Nam. Năm 1893, nạn dịch hạch bùng nổ khắp vùng Viễn Đông, Yersin quyết định đi thẳng đến Hồng Kông để nghiên cứu. Tháng 6-1894, BS Yersin đã thành công khi tìm ra vi trùng dịch hạch và được thế giới đặt tên là Yersinina Pestis (vi trùng mang tên ông). Trở về Việt Nam, BS Yersin đã phối hợp với BS Calmette (người sáng lập chi nhánh đầu tiên của Viện Pasteur Paris tại Sài Gòn) lập phòng thí nghiệm vào tháng 8-1895, tiền thân của Viện Pasteur Nha Trang.
Những ngày đầu, phòng thí nghiệm của ông gặp nhiều khó khăn khi BS thú y Pescas qua đời, nhiều con ngựa dùng để sản xuất huyết thanh cũng ngã chết vì dịch bệnh không rõ nguyên nhân. Nhưng Yersin vẫn không nản lòng, ông tiếp tục nâng cấp phòng thí nghiệm của mình và hướng tới việc lập chi nhánh ở khu vực Suối Dầu hiện nay. Từ chăn nuôi bò, ngựa, khai thác các loại cây dùng làm thuốc, ông đã biến phòng thí nghiệm của mình thành một cơ sở đa năng. Từ đó dần phát triển thành Viện Pasteur Nha Trang. “Viện Pasteur Nha Trang những ngày đầu đã có khuynh hướng đặc biệt là chuyên nghiên cứu về các bệnh nhiễm trùng của gia súc, cách phòng và điều trị”,
Điều làm du khách thập phương thêm ấm lòng là ngày nay, tại xã Suối Cát có một ngôi trường trung học mang tên A. Yersin, nhiều thế hệ trẻ đã được biết về cuộc đời và sự nghiệp khoa học của "Ông Tư" Yersin.